Nghệ Thuật Gấp Giấy Origami Của Nhật Bản Là Gì?
Origami là gì?
Origami là nghệ thuật gấp giấy (hay nghệ thuật xếp giấy) có xuất xứ từ Nhật Bản. Chữ origami trong tiếng Nhật bắt nguồn từ hai chữ: ori là gấp hay xếp và kami là giấy. Origami chỉ được dùng từ năm 1880, trước đó người Nhật dùng chữ Orikata.
Origami kết hợp những cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật (2 chiều), mà thường là hình vuông thành những hình phức tạp (3 chiều), không cắt dán trong quá trình gập, đây cũng là xu hướng của Origami hiện đại. Không giống như người ta thường nghĩ, các quy tắc Origami truyền thống của Nhật Bản (bắt đầu từ khoảng triều Edo 1603-1867), lại ít nghiêm ngặt hơn Origami hiện đại: giấy gấp có thể là hình tròn, tam giác, và có thể cắt dán trong quá trình gấp.
Lịch sử phát triển của Origami
Quá trình phát triển của Origami gắn bó chặt chẽ với quá trình ra đời và phát triển của giấy viết. Khi người Trung Quốc phát minh ra giấy viết vào những năm 105 sau Công nguyên, giấy viết khi đó quả thật là món hàng xa xỉ và các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của nghệ thuật gấp giấy ở giai đoạn này. Vào thế kỷ thứ 6, các nhà sư đã mang giấy từ Trung Quốc tới Nhật Bản. Cũng giống như ở Trung Quốc, người Nhật khi đó chỉ sử dụng giấy trong các dịp lễ quan trọng.
Mãi tới những năm 1660, người Nhật mới sử dụng giấy như một công cụ giải trí. Và tận 20 năm sau đó, vào năm 1680 lần đầu tiên hình ảnh những cánh bướm giấy rập rờn mới được nhắc đến trong một bài thơ tiếng Nhật. Đến năm 1797, Akisato Rito đã xuất bản cuốn sách đầu tiên về gấp giấy nghệ thuật có tựa đề “Sembazuru Orikata” (Xếp ngàn cánh hạc). Nhưng phải tới thế kỷ 19, thuật ngữ “gấp giấy” mới trở nên phổ biến khắp quốc đảo này.
Ở thời Minh Trị (Meiji), Origami được đưa vào các trường mẫu giáo thành một môn học dưới ảnh hưởng về phương pháp giáo dục của nhà giáo dục học người Đức Frebel (1782-1852). Các phương pháp xếp giấy của châu Âu cùng sự phát triển theo nhiều hướng khác nhau đã khiến cho nghệ thuật xếp giấy ngày càng phong phú.
Còn ở phương Tây, nghệ thuật xếp giấy lại nở rộ vào những năm 700 sau Công nguyên, một phần cũng nhờ vào “con đường tơ lụa” nổi tiếng giữa Trung Quốc và châu Âu. Tây Ban Nha là một trong những nước đầu tiên du nhập môn nghệ thuật mới mẻ này, đồng thời cũng là nước cho ra đời rất nhiều tác phẩm độc đáo. Tuy nhiên vào thế kỉ 12, khi phương pháp chế tạo giấy được truyền sang Châu Âu, và một nghệ thuật xếp giấy độc lập đã được hình thành song vẫn không trở thành một nét văn hóa với bề dày về ảnh hưởng cũng như mức độ phát triển như Nhật.
Có thể nói Origami cũng như nhiều từ tiếng Nhật khác như Sake, Shushi, Kimono… đã được quốc tế hóa, để khi nhắc đến ai cũng hiểu đó là một đặc trưng của văn hóa Nhật, không lẫn vào đâu được. Và ngày nay Origami đang mở rộng tầm ảnh hưởng ra tầm thế giới, không chỉ giới hạn là một thú vui mà còn được nghiên cứu phục vụ cho các mục đích khoa học khác bởi nhiều tổ chức và cá nhân.
Origami gắn liền với cái tên của nghệ nhân Akira Yoshizawa. Trong các phòng triển lãm Origami nổi tiếng trên thế giới, ta có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm của cố nghệ sĩ tài ba. Ông đã cống hiến gần trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật gấp giấy. Vào năm 1930, nghệ nhân Nhật Bản này đã xây dựng hệ thống ký tự và biểu tượng được sử dụng trong các sách hướng dẫn nhằm hỗ trợ việc phân tích cách gấp các mô hình phức tạp. Đến năm 1950, ông đã xuất bản những tập sách giới thiệu chi tiết cách gấp các mẫu vật truyền thống và cập nhật cả những thiết kế mới được sáng tạo. Yoshizawa cũng chính là cha đẻ của nghệ thuật sử dụng giấy ướt trong các tác phẩm xếp giấy. Giấy ướt được làm ẩm từng phần hoặc toàn bộ, sau đó sẽ mềm ra như đất sét để người gấp có thể dễ dàng sáng tạo mô hình theo ý mình.
Các mẫu origami
Mẫu origami có thể đơn giản như chiếc thuyền hay máy bay giấy chúng ta thường gặp, nhưng cũng có thể hết sức phức tạp như hình rồng, phượng, tháp Eiffel. Những mẫu origami phức tạp có thể dùng lá kim loại mỏng thay vì giấy thường để có thể giảm độ dày của mẫu gập. Origami hiện đại thay đổi rất nhiều, các mẫu thường được gấp khi ướt (gấp ướt) hoặc sử dụng vật liệu ngoài giấy và lá kim loại. Người Nhật xem origami như một phần văn hoá và truyền thống đất nước hơn là một hình thức nghệ thuật.
Một trong số những mẫu origami được biết tới nhiều nhất là hình con hạc. Con hạc là điềm tốt lành trong quan niệm của người Nhật. Truyền thuyết kể rằng ai gấp được 1000 con hạc giấy có thể biến điều ước thành thật. Sau câu chuyện về bé gái Nhật Sadako Sasaki năm 1955, hình ảnh hạc giấy cũng trở thành một biểu tượng của hoà bình.
Hạc (oritsuru) và các loại thuyền là những vật phổ biến được gấp và trang trí từ những năm 1700. Từ đó cho đến khoảng 100 năm sau các cuốn sách chuyên môn về Origami đã được in ấn và xuất bản, chứng tỏ một văn minh xếp giấy đã đạt được đến trình độ cao, đa dạng. Vào thời điểm đó, Origami đã không chỉ là trò chơi của trẻ còn mà còn là thú vui của người lớn, và có rất nhiều tạp chí ra đời với những mẫu xếp giấy vô cùng phức tạp.
Origami ghép (Modular Origami) là loại Origami truyền thống. Một mẫu vật sẽ được gấp thành nhiều bản giống nhau sau đó các bản này được ghép lại thành một mẫu vật lớn có cấu tạo phức tạp hơn. Ở loại Origami này, người gấp giấy không phải tuân thủ quy tắc chỉ được sử dụng duy nhất một tờ giấy. Tuy nhiên, họ phải tuân thủ một quy tắc quan trọng khác, đó là không được sử dụng hồ dán hay băng keo. Thay vào đó, họ được phép sử dụng một vết cắt để ghép các mẫu vật nhỏ lại thành khối.
Hoặc chỉ được sử dụng duy nhất một tờ giấy
Origami cử động (Action Origami) là loại Origami tạo ra các mẫu vật có thể cử động được dưới sự điều khiển của con người. Ví dụ như con chim có thể vỗ cánh hay con ếch có thể bật về phía trước khi ta ấn vào chân sau của nó. Pháo giấy cũng là một ví dụ phổ biến, hẳn nhiều người đã từng chơi pháo giấy và đập cho pháo nổ.
Origami trang sức (Jewelry Origami) tạo ra các mẫu vật có thể mang được trên người. Còn người chơi Origami thực phẩm (Food Origami) lại sử dụng hoa quả hoặc tảo biển để tạo ra các mẫu vật.
Các nhân viên công sở còn có một loại Origami nữa, đó là Origami giấy nhớ (sticky note Origami). Đúng như tên gọi của nó, các mẫu vật của loại Origami này được làm từ giấy nhớ, dù đôi khi mẫu vật tạo ra có kích cỡ khá nhỏ. Một số nghệ nhân lại thích loại Origami hoa văn trang trí nổi (Origami tessellations). Gọi như vậy là vì bề mặt loại giấy mà các nghệ nhân này sử dụng khá mịn và được gấp thành những họa tiết nổi rất phong phú và lại mắt, tất nhiên đây là một trong các loại Origami đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao.
Giấy gấp Origami
Người chơi Origami chỉ cần một tờ giấy có thể gấp được là đủ điều kiện để bắt tay vào việc tạo mẫu vật. Tuy nhiên, loại giấy được nhiều người ưa dùng là giấy kami, được sản xuất chuyên dùng cho môn nghệ thuật này. Giấy kami mỏng, dai, dễ gấp và đặc biệt là dù có bị gấp đi gấp lại nhiều lần thì loại giấy này vẫn giữ được độ bền và dai. Giấy kami có một mặt trắng và một mặt in hình họa tiết. Kích cỡ gồm nhiều loại, loại phổ biến nhất có diện tích khoảng 15,2 cm2.
Bạn cũng có rất nhiều lựa chọn khác khi tìm mua giấy gấp Origami. Tuy nhiên, giá cả của loại giấy không quyết định nhiều tới giá trị mẫu vật tạo ra. Nhiều nghệ nhân còn sử dụng giấy vệ sinh để tạo ra các mẫu vật.
Những quy tắc cơ bản không được vi phạm trong Origami
Lịch sử phát triển lâu đời của nghệ thuật Origami đã hình thành nhiều loại Origami với những đặc thù riêng. Mỗi người tham gia môn nghệ thuật này có thể chỉ cần tuân theo các quy tắc của một loại nhất định. Tuy vậy, cũng không hiếm người đam mê gấp giấy nên đã tìm hiểu cặn kẽ về quy tắc của tất cả các lọai Origami. Nét đặc biệt của nghệ thuật Origami là ở chỗ người gấp chỉ sử dụng duy nhất một tờ giấý, mà không hề sử dụng thêm keo hay hồ dán. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi người gấp phải thật sự khéo léo và tỉ mẩn. Họ có thể sáng tạo ra nhiều cách gấp để tạo nên nhiều mẫu vật đa dạng.
Hầu hết các mẫu gấp phức tạp đều dựa trên những mẫu cơ bản sau đó được sáng tạo thêm. Bốn mẫu cơ bản trong gấp giấy gồm có: gấp diều, gấp cá, gấp chim và gấp ếch. Gấp động vật và hình khối đa diện là lựa chọn phổ biến của rất nhiều người để rồi từ đó thiên biến vạn hóa ra rất nhiều hình mẫu. Dựa trên những bản hướng dẫn chi tiết mà mỗi người lại có thể thay đổi cách gấp theo sở thích của riêng mình.
Người chơi nghệ thuật Origami còn phải tuân thủ quy tắc Thuần khiết (Pureland), tức là khi gấp một mẫu vật, bạn chỉ được chọn đúng một loại Origami. Người chơi không được phép kết hợp các loại Origami khác nhau khi gấp một mẫu vật. Vi phạm quy tắc này tức là chúng ta đã bước ra ngoài ranh giới nghệ thuật xếp giấy Origami.
Tác dụng của Origami đối với tâm lý
Tác dụng của Origami đối với tâm lý
Origami là một nghệ thuật nhẹ nhàng tỉ mỉ. Nó đã chứng minh trong rất nhiều trường hợp có tác dụng làm êm dịu thần kinh, chữa bệnh mất ngủ và chống stress. Nhiều bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu đã dùng origami như một liệu pháp bổ ích vật lý và tinh thần. Bác sĩ Ronald S. Levy, tại Hội Thảo Quốc Tế lần thứ nhì về origami đối với giáo dục và trị liệu, đã kêu gọi dùng origami dể phục hồi chức năng và trị liệu về tay. Với nhiều người, Origami là thứ giải trí rất hữu hiệu, đặc biệt khi sáng tác một mẫu mới: tự do bay bổng, tự do tìm kiếm một thứ gì đó, mang màu sắc của riêng mình. Khi tự tay hoàn thành một mẫu khó, hay tự tay sáng tác một mẫu hay, thì cảm giác thật vui thích.
Origami với toán học
Việc tạo được mẫu origami mới liên quan đến rất nhiều quy tắc hình học. Không phải ngẫu nhiên mà các cao thủ origami sáng tác được những mẫu phức tạp. Các cao thủ origami có phương châm “bạn nhìn thấy gì, tôi tưởng tượng được; bạn tưởng tượng gì, tôi gấp được.”
Việc gấp giấy đem lại nhiều nhận thức hình học, và cả hình học trừu tượng: nhận biết hình tam giác, hình vuông, hình lục giác, tia phân giác một góc, đoạn thẳng, các đường nét, hình không gian, các khối 3 chiều…
Đăng bởi .
BBCOSPLAY
Bán và cho thuê Đồ Hóa Trang và phụ kiện Cosplay
ĐT: 0947.927.017
Email:bbcosplay.com@gmail.com
Facebook:fb.me/bbcosplay.shop
Thời gian: Thứ 2 - thứ 7 8h-20h, Chủ Nhật 10h-18h.
Địa chỉ: 118/19 Bạch Đằng, P.24, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh