Chơi mô hình gundam, tóm tắt lại sẽ có các bước sau:
Chia Sẻ Kinh Nghiệm Chơi Mô Hình Gundam (P.1)
Và giờ, xin được bàn đôi chút về kinh nghiệm khi thực hiện các bước này:
1. Chọn và mua mô hình mình thích
Một trong những sai lầm của người mới bắt đầu và người chưa có kinh nghiệm chơi mô hình gundam khi chọn mua, là chỉ nhìn ngoài hộp rồi mua, ảnh con robot trên bìa hộp rất đẹp và chi tiết, nhưng mua về lắp xong nhìn như dở hơi và gây chán nản, tiếc tiền. Lý do là hình ảnh trên bìa là sản phẩm mẫu, nghĩa là nó được nhà sản xuất sơn vẽ thêm để tăng độ đẹp và chi tiết rồi. Nên khi mua cần nhớ một điều xương máu là, hình ảnh ngoài hộp và robot mình lắp xong sẽ khác nhau, y như lúc mua gói mì tôm.
Tốt nhất, người mới chơi khi thích một mẫu nào, thì gõ tên mẫu robot gundam đó trên youtube hoặc google và thêm chữ reviews, sẽ luôn tìm được các bài viết đánh giá và có hình ảnh của mẫu đó khi ráp xong, không sơn phết gì thêm. Rất nhiều mẫu lắp xong không (còn gọi là ráp chay) vẫn đẹp, rất nhiều mẫu lắp xong muốn đẹp phải sơn phết thêm nếu không nhìn sẽ rất đơn điệu và nhàm chán.
Mô hình mua về gồm các mảnh nhỏ (part), 1 mô hình tỉ lệ 1/100 sẽ có khoảng 300 mảnh, những mảnh này được đúc và gắn cùng nhau trong các khung nhựa (gọi là runner), nên muốn lắp ráp mô hình, trước tiên phải cắt các part khỏi runner.
Việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung, kiên nhẫn, thời gian của người chơi, cộng thêm việc phải sắm thêm một bộ dụng cụ. Lý do là các part được gắn với khung bằng các đoạn nhựa thừa, nếu tách part bằng tay không, phần nhựa thừa bị nứt gãy, biến dạng cũng sẽ làm xấu hoặc biến dạng miếng part. Cách làm đúng là dùng kìm cắt phần nhựa thừa, và dùng dao tỉa hết phần nhựa thừa tới khi miếng part phẳng, nhẵn (đôi khi cần dùng thêm giấy nhám để mài phẳng các vết cắt).
Đây có thể tính là bước quan trọng nhất, quyết định mô hình có đẹp không, nên cần chú ý 2 việc: Tuyệt đối không bẻ, tách các mảnh ghép khỏi khung bằng tay không và tuyệt đối không xử lý nhựa thừa qua loa. Hai dụng cụ bắt buộc là kìm cắt nhựa và dao tỉa, cần kiên nhẫn, tỉ mỉ khi làm vì điều này làm mất thời gian, nhiều khi gây mệt mỏi, chán nản.
3. Lắp ráp mô hình
Sau bước 2 đầy mệt mỏi thì đây có khi là công đoạn tuyệt vời nhất khi chơi, giúp xả stress nữa và không hề khó, việc lắp ráp sẽ có sách hướng dẫn đi kèm nên chỉ cần làm theo. Vẫn cần sự tập trung, tỉ mỉ nhất định nhưng người chơi cũng sẽ được tận hưởng cảm giác thỏa mãn khi mọi mảnh ghép ăn khớp với nhau. Chỉ một lưu ý nhỏ là việc lắp ráp cần lựa lực tay, góc độ… tránh làm gãy hỏng part, vậy là xong.
4. Hoàn thiện mô hình
Thực chất, mô hình chỉ cần ráp không thôi cũng được, việc hoàn thiện thêm không bắt buộc nhưng mô hình lắp ráp không sẽ đơn điệu (giống như chỉ pha mì tôm với nước sôi). Việc hoàn thiện mô hình giống như thổi hồn vào một mẫu trang phục chơi. Hoàn thiện có nhiều cách, trong đó có 2 thứ cơ bản nhất và nên làm: Một là kẻ line (line là các rãnh lồi lõm trên bề mặt mảnh ghép), hai là dán sticker có sẵn.
Việc kẻ line sẽ làm nổi bật mô hình, tạo ra hiệu ứng lắp ráp, cơ khí. có thể kẻ bằng bút chuyên dụng đầu nhỏ, hoặc dùng các loại mực chuyên dụng cho việc này.
Dán các sticker cũng làm tăng nhiều tính chuyên nghiệp cho mô hình, giống như tem xe của chiếc motor vậy, nó giúp cho mô hình chi tiết và không đơn điệu.
Các cấp độ hoàn thiện khó hơn có thể kể đến như dùng sơn, sơn để mất đi độ bóng của nhựa, tạo cảm giác kim loại hoặc sơn lại màu khác so với màu có sẵn của nhà sản xuất, chế tạo hoặc custom thêm các chi tiết cho mô hình (giống như độ xe)… Những việc này cũng thể hiện sự sáng tạo của người chơi, nhiều mô hình được hoàn thiện đẹp vượt xa so với cả sản phẩm mẫu nữa.
Hoàn thiện mô hình cũng phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện, tài chính, thời gian, kỹ năng của mỗi người. Chi phí hoàn thiện nhiều khi còn đắt hơn chi phí mua mô hình, thật khó cho những người chỉ mới bắt đầu. Nhưng thực sự là, chỉ cần sự tỉ mỉ, cẩn thận trong 2 việc cơ bản nhất là kẻ line và dán sticker thôi đã thổi hồn vào mô hình rồi.
Hoàn thiện xong, thì chỉ việc trưng hay chụp ảnh thôi, đừng ngần ngại chia sẻ thành quả, hoặc trưng ở góc bàn làm việc để tạo cảm hứng… Trên thế giới còn có các triển lãm mô hình đã hoàn thiện xong, có các cộng đồng người chơi để cùng chia sẻ. Mô hình làm xong vẫn thiên về việc ngắm nhìn, trưng bày, việc đụng chạm nhiều sẽ làm nó nhanh hỏng hơn.
Rất nhiều công đoạn, kỹ năng, kinh nghiệm chơi mô hình gundam đều có thể tìm trên internet, đây là một thú chơi phổ biến trên toàn thế giới, châu Á, châu Âu… Phía trên chỉ là một số ít điểm cơ bản, rút gọn nhất theo kinh nghiệm cá nhân và một số sai lầm khi mới bắt đầu: mua xong lắp nhìn xấu, khi chơi bẻ part bằng tay không…
Không quan trọng đây có phải là trò chơi trẻ con không, nó tốn tiền, nhưng lành mạnh, cần sự tập trung, tỉ mỉ cao. Đừng ngại nếu bạn lớn rồi mà thích chơi robot, nhưng cũng đừng ham mê mà mua nhiều tiền quá, hoặc bỏ quá nhiều thời gian mỗi ngày cho nó, cần phải tự cân bằng, điều này, mỗi người đều phải tự ý thức, cũng chưa thấy ông nào chỉ mua một bộ lắp cho thỏa rồi dừng lại (lol).
Đừng kỳ vọng nhiều quá vào hình ảnh bên ngoài, mô hình lắp xong có thể sẽ không đẹp như vậy, nếu mới bắt đầu mà muốn có mô hình đẹp cũng nên lựa chọn, tìm hiểu kỹ trước khi mua, thường các mẫu sản xuất gần đây sẽ cho kết quả gần sát hơn với hình ảnh mẫu (tức là ráp không cũng khá chi tiết và đẹp rồi), dù sao thì, mỗi người chơi mới là người thổi hồn vào nó. Cùng một mẫu mô hình, 2 người lắp và hoàn thiện có thể ra 2 robot nhìn thần thái khác nhau chăng? Càng làm nhiều mô hình, cũng càng có nhiều kinh nghiệm chơi hơn mà không bài viết nào diễn giải hay hướng dẫn hết được, kết quả là một chuyện, nhưng cảm giác bỏ công sức lắp ráp mới có ý nghĩa hơn.
Cũng đừng quan trọng việc hoàn hảo quá mức. Khi xử lý hay sơn phết từng chi tiết nhỏ, rất dễ nảy sinh tâm lý coi trọng sự hoàn hảo, miếng part này cắt tỉa chưa ngọt, sơn, dán chỗ này còn lem nhem xíu… Và rồi bạn cứ sửa đi sửa lại, nhưng điều này nhiều khi còn làm kết quả tệ hơn, cứ chú trọng chi tiết mà quên đi tính tổng thể. Chẳng có gì là hoàn hảo, nhiều khi không hoàn hảo lại tạo ra sự hoàn hảo, nhiều mô hình được sơn bóng loáng mang lại vẻ đẹp không tì vết nhưng nhiều mô hình được sơn lem luốc, rồi chà nhám cho xước sát lại tạo ra vẻ đẹp cơ khí thực sự của một cỗ máy chiến đấu qua thời gian…
Sau cùng, mỗi việc chúng ta làm hằng ngày tạo nên cuộc sống, việc này có liên quan như vậy??? Ghép nối các mảnh rời rạc??? Nếu một cậu nhóc thích mô hình và thích lắp ráp từ nhỏ khi lớn lên rồi có thích việc chế tạo ôto, xe máy hay thành một kỹ sư cơ khí… Bạn cần kiên nhẫn, tập trung, tỉ mỉ để hoàn thành mô hình, vậy bạn có kiên nhẫn, tập trung, tỉ mỉ như thế cho công việc hay khía cạnh khác của cuộc sống? Việc này có giúp chúng ta tập trung hơn hay cảm nhận được một cảm xúc gì đó tương tự khi mà mọi người trong thế giới hiện đại cứ mãi gắn liền với internet, smartphone khiến suy nghĩ phân tán và ít kết nối hơn bao giờ hết…
Cuối cùng, cảm ơn, vì đã đọc tới đây mong rằng bài viết này sẽ chia sẽ cho bạn vài kinh nghiệm chơi mô hình gundam.
Đăng bởi .
BBCOSPLAY
Bán và cho thuê Đồ Hóa Trang và phụ kiện Cosplay
ĐT: 0947.927.017
Email:bbcosplay.com@gmail.com
Facebook:fb.me/bbcosplay.shop
Thời gian: Thứ 2 - thứ 7 8h-20h, Chủ Nhật 10h-18h.
Địa chỉ: 118/19 Bạch Đằng, P.24, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh